“Chú lạc đà” 17 tuổi và dấu chân vượt khỏi biển cát Sahara
Chương trình thẩm mỹ hàng đầu Việt Nam – Tái sinh Nhan sắc 2019 đã đi được gần nửa chặng đường. Rất nhiều gương mặt với ngoại hình và số phận đặc biệt đã được vén màn sau những vòng casting đầu tiên, trong đó hẳn không thí sinh nào tại buổi tuyển chọn Đà Nẵng có thể quên được hình ảnh Hiên Công – chàng trai cao chưa đầy 1m với tuổi đời còn rất trẻ – 17 tuổi. Tuy nhiên trò chuyện cùng chàng trai này, bạn mới ngạc nhiên rằng ở em là nghị lực phi thường, là tấm gương truyền cảm hứng sống cho rất nhiều người có ngoại hình khác biệt.
1/ “Con lạc đà cũng đòi đi học!”, lời miệt thị tàn nhẫn giết chết tuổi thơ một người
Nhìn gương mặt của Hiên Công, nhiều người sẽ thấy sự từng trải và dãi dầu sương gió, càng tiếp xúc, mọi người càng thấu hiểu không chỉ ngoại hình, mà tính cách chàng trai này cũng mang nhiều nét điềm đạm, trưởng thành – điều ít thấy ở một cậu nam sinh 17 tuổi. Lứa tuổi còn nhiều ngỗ nghịch, bốc đồng hay muốn chứng tỏ bản thân.
Suốt phần casting của mình, Hiên Công không hề biểu lộ bất kỳ sự lúng túng hay e ngại nào về ngoại hình đặc biệt, thậm chí chàng trai bé nhỏ này cũng là người chủ động trò chuyện và khiến không khí buổi tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng và cởi mở hơn rất nhiều.
Hiên Công xuất hiện từ sớm tại địa điểm tuyển sinh Tái sinh Nhan sắc Đà Nẵng
Bằng giọng điệu chậm rãi, Hiên Công kể về tuổi thơ của mình: “Hơn 17 năm trước, có một cậu bé người dân tộc thiểu số may mắn chào đời trong một gia đình nghèo khó giữa vùng sâu heo hút của huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.“
Với gia cảnh và tình trạng hiếm muộn của cha mẹ, sự chào đời của Hiên Công như một phép màu giữa vùng miền núi nghèo khó. Nhưng ông trời có lẽ chẳng cho ai quá nhiều thứ khi “Thật không may cho cậu bé, khi vừa lọt lòng cậu đã mang trên lưng một cục bướu bé nhỏ. Với tình yêu thương của ba mẹ và người thân, cậu bé lớn dần lên và một lẽ dĩ nhiên cái bướu ấy cũng cứ thế lớn dần trong sự vô tư trong sáng của cậu bé.
Năm 6 tuổi, cậu được đi học, được vui đùa cùng chúng bạn đồng trang lứa. Cứ thế, thời gian trôi đi trong sự hồn nhiên, cậu bé chưa bao giờ nghĩ – mình là người có ngoại hình khác biệt.
Nhưng đến một ngày cậu nhận ra có những điều gì kỳ lạ trong ánh mắt của những người mới quen, trong những lời trêu chọc của bạn bè. Mỗi lần cậu đứng nhìn mình trong gương, cậu thấy người mình cong queo đi với một cái cục lớn to gần bằng cái đầu mình trên lưng.
Mỗi năm trôi qua, cậu bé ấy có lẽ không bao giờ quên tháng ngày người đời chỉ trỏ cậu, thậm chí dồn lời miệt thị lên bố mẹ cậu rằng: “Con lạc đà cũng đòi đi học!”, họ ném đá lên tấm lưng cậu bé, vì nghĩ rằng cậu chẳng hề cảm thấy đau, cục bướu kia như một phần thừa vô tri thô ráp gắn trên lưng cậu.
Họ chẳng thể biết mỗi ngày cục bướu ấy càng lớn lên, không chỉ là một vật thể xấu xí, mà còn tạo gánh nặng trên tấm lưng gầy yếu của cậu bé. Năm 12 tuổi, cậu không còn có thể đứng thẳng, không thể nằm ngửa, luôn phải nằm nghiêng người và đối mặt với lồng ngực bị gò ép mỗi đêm, cậu ngạt thở, cậu quằn quại…
Có những đêm giật mình tỉnh giấc bởi cơn ác mộng miên man, cậu thấy mình biến thành một chú lạc đà với rất nhiều cục bướu trên người, cậu đi đến trường như những bước chân vô định của lạc đà trên miền cát… Chú lạc đà cô đơn không bạn bè, người đầy những vết thương…“
Hiên Công trò chuyện rất cởi mở khi được phỏng vấn
Có lẽ với những người có cơ thể lành lặn, một vài khiếm khuyết trên cơ thể xấu xí đã khiến chúng ta cảm thấy xấu hổ và nhận những lời chế giễu từ xã hội, nhưng với Hiên Công, nỗi đau tinh thần còn chưa nếm trải, thì nỗi đau thể xác như quật ngã em mỗi ngày. Nếu không phẫu thuật, e rằng tình trạng phổi của em sẽ càng ngày bị u bướu chèn ép, chưa kể việc hô hấp trở nên khó khăn hơn, tình trạng xô lệch của cấu trúc khung xương đã dần thể hiện bởi bờ vai chẳng thể giữ thẳng và 2 cánh tay dài ngắn bất thường.
2/ Học là “liều tiên đan” – xua đi mọi ấu trĩ và cùng cực của sổ phận
Có những hôm đi học, Hiên Công mang theo tấm lưng ê ẩm vì những trò bạo lực của bạn bè, mang theo trái tim đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần bước đi. Với một học sinh người dân tộc thiểu số như em, có mấy ai theo đuổi việc học, ngoài bố mẹ, thầy cô, chẳng ai ủng hộ và động viên Hiên Công tiếp tục đến trường. Gia cảnh nghèo khó, lại là niềm hy vọng của bố mẹ, Hiên Công tự nhận thức được rằng nếu không học thành tài, với thể trạng của em cũng khó có thể lao động và làm những công việc tay chân bình thường như bạn bè. Vậy nên học hành là con đường duy nhất, Hiên Công vững tâm với suy nghĩ đó, coi đó như tấm phao cứu sinh duy nhất trong cuộc sống cơ cực.
Câu chuyện dài về cuộc sống của Hiên Công như trải qua mọi cay đắng và tủi hờn, chưa một lần em được “sống” đúng nghĩa. Lúc đó nguồn vui duy nhất xua tan mọi bất công, ruồng rẫy của cuộc đời, khiến Hiên Công dù đang đau đớn về sức nặng của cục bướu cũng có thể kiên cường gắng bước – chính là việc Học.
Hiên Công mỉm cười hiền lành: “Những ai ác ý sẽ trêu đùa, còn người đồng cảm sẽ buông 1 lời chân thành “Em khổ quá Công ơi!”. Lúc đó em vẫn cố ngước lên nhìn họ và cười tươi, bởi cuộc sống của em vẫn may mắn, em vẫn thấy mình đủ giác quan, còn cảm nhận, còn biết yêu thương mọi người. Bên cạnh em vẫn có sự quan tâm của thầy cô và gia đình. Đó là nguồn động lực duy nhất giúp em vững tin hơn và mong muốn cống hiến nhiều hơn”.
Hiên Công có thành tích cao trong học tập, em được nằm trong đội tuyển Olympic, Học sinh giỏi cấp tỉnh của nhà trường. Là học sinh giỏi nhiều năm và được thầy cô đánh giá có thái độ ham học hỏi, cần cù, chịu khó
Sự lạc quan và nghị lực sống của Hiên Công khiến hội đồng chuyên môn Tái sinh Nhan sắc rất bất ngờ. Hiên Công khiêm tốn khi được so sánh với diễn giả Sơn Lâm hay nhân vật truyền cảm hứng nổi tiếng Nick Vujicic: “Với em anh Sơn Lâm và Nick là những tấm gương, anh Sơn Lâm có thể chinh phục đỉnh Fanxipang với thân hình bé nhỏ và khiếm khuyết, điều mà không phải một người nào thậm chí lành lặn có thể thực hiện được; hay Nick có thể mang câu chuyện của mình truyền cảm hứng cho hàng triệu người, đó là những điều vĩ đại và lớn lao. Em soi được hình ảnh của mình trong những câu chuyện của các anh ấy, nhưng em cũng chỉ là một cậu bé học sinh người dân tộc bình thường, em chưa làm gì được cho gia đình, cha mẹ, em chỉ mong mình mạnh mẽ, có sức khỏe để trở thành “một chiến binh” kiên cường như 2 vị diễn giả này!”
3/ Hiên Công – Chú lạc đà muốn bước ra khỏi biển cát Sahara
Hiên Công thú thật với hội đồng chuyên môn rằng, câu hỏi buồn cười em từng nhận được là: “Ngoại hình của mày như này, tại sao mày không buồn? Tao chưa bao giờ thấy mày than vãn???”
Đây là lời một người bạn học thân thiết từng hỏi Hiên Công, thoạt nghe sẽ nghĩ câu nói này có phần xúc phạm, hay nghe có chút ngô nghê, nhưng Hiên Công giãi bày: “Bên ngoài em luôn tỏ ra mình ổn, càng lớn, dù cục bướu ngày càng tệ hơn, em lại càng kiên cường. Có những lời trêu chọc, em cũng trở nên lãnh cảm và bỏ ngoài tai. Nhưng thú thật, sự im lặng đó đến với mình, một phần do nhận thức thay đổi, một phần do việc mình bình thản hơn, mà nhiều người nói rồi đấy, khi sự tổn thương đủ sâu sắc, con người ta sẽ không muốn phân bua nữa, họ chỉ cần im lặng. Vậy là đủ!”
Nói về ước mơ của mình, mắt Hiên Công sáng lên vẻ long lanh đúng tuổi: “Em khát khao được trở thành giáo viên dạy Tiếng Anh, bản làng nơi em sống người dân tộc thiểu số còn chưa biết đến ngoại ngữ là gì? Em không muốn cuộc sống quẩn quanh cứ đeo bám mãi những người dân bản nghèo, em muốn thế hệ sau em, các em được học, được đến trường, được tiếp thu với những điều mới mẻ, biết được rằng cuộc sống ngoài kia còn muôn vàn điều chờ đợi.”
Hiên Công – chàng trai cao chưa đầy 1m tại buổi sơ khảo Tái sinh Nhan sắc
Những lời nói từ tâm can Hiên Công khiến hội đồng chuyên môn lặng người bởi ước mơ rất “tình”, rất nhân văn, khó ai có thể nghĩ rằng một chàng trai tuổi đời chưa đến 20, lại mang những vết sẹo nơi ngoại hình và tâm hồn, lại có được khát vọng đến vậy.
Bác sĩ Henry Nguyễn xúc động chia sẻ: “Thật khó để cảm nhận được những gì em đã trải qua. Thật sự ngưỡng mộ và khâm phục ý chí, nghị lục của một cậu bé 17 tuổi, ai trong chúng tôi nếu đặt vào hoàn cảnh của em, cũng khó mà mạnh mẽ và lạc quan như vậy. 17 tuổi, có khi tôi hay những anh chị ngồi đây vẫn chỉ đang đau đầu trong việc chọn ngành nghề, chọn trường đại học, chúng tôi có lẽ chưa bao giờ khát khao được cống hiến nhiều nhường đó. Em khiêm tốn cho rằng mình chỉ là một người bình thường, nhưng tôi thấy nghị lực và một tâm hào sảng của Nick hay của Sơn Lâm trong hình hài em.”
Bác sĩ Henry Nguyễn chia sẻ: Thật sự ngưỡng mộ và khâm phục ý chí, nghị lục của một cậu bé 17 tuổi, ai trong chúng tôi nếu đặt vào hoàn cảnh của em, cũng khó mà mạnh mẽ và lạc quan như vậy.
Hiên Công cười rạng rỡ tiếp lời: “Em mong muốn được trở thành một người chèo đò tri thức, nhưng cũng có lúc sợ hãi khi nghĩ rằng ngoại hình của mình sẽ trở thành rào cản lớn. Sự tàn nhẫn của miệng đời như ngày một rót đầy sự hoang mang trong em, đặc biệt có thời điểm em trở nên bi quan với cuộc sống. Đó là khi thầy giáo dạy cấp 3 của em, người luôn động viên và chỉ bảo em rất nhiều trong việc học tập, cũng có lúc nhận lấy ánh nhìn lảng tránh hay những trò đùa và lời bình phẩm sau lưng của chính bạn bè em, chỉ vì thầy cũng khuyết tật. Ngày nhà trường về vận động học sinh dân tộc đi học, có đứa trẻ nhìn thầy đã khóc thét, có nhiều ánh nhìn hiếu kỳ, có cả những câu nói tàn nhẫn vô cùng. Lúc đó em đứng cùng thầy, mọi ước mơ trở nên mông lung hơn: Nếu ngày mình dạy học, học sinh còn chưa học được gì đã sợ hãi và lảng tránh mình chỉ vì mình là “Lạc đà”, gọi mình là “Yêu quái lưng gù”… mình sẽ phải tiếp tục ra sao?”
Hiên Công đã trằn trọc về suy nghĩ này suốt những tháng năm hình thành giấc mơ trở thành nhà giáo. Khi chia sẻ với nhiều người, có người cười chê, ngay cả cha mẹ cũng lắc đầu nói với Hiên Công rằng “Liệu con có đủ tư cách làm nghề giáo không khi học sinh cũng không tôn trọng con?“
“Em ngày một lớn hơn, cha mẹ chắc chắn cũng chẳng thể chạy trốn khỏi vòng tuần hoàn của thời gian. Ở cái tuổi có thể lao động kiếm tiền, em muốn dùng chất xám của mình để làm những công việc có ích cho xã hội, muốn che chở cho ba mẹ khỏi những định kiến từ người dân miền núi, muốn báo đáp ân tình của những người đã kỳ vọng, vững tin và yêu thương em. Những người đã đứng sau và nói với em rằng “Dù thế nào, mọi người vẫn tin tưởng ở con và theo sau con bất cứ lúc nào“.
Ở cái tuổi có thể lao động kiếm tiền, em muốn dùng chất xám của mình để làm những công việc có ích cho xã hội, muốn che chở cho ba mẹ khỏi những định kiến từ người dân miền núi, muốn báo đáp ân tình của những người đã kỳ vọng, vững tin và yêu thương em.
Mình có một một trí óc để thực hiện được hoài bão nhưng điều đó sẽ khó thực hiện được nếu có ngoại hình dị dạng như này, vì vậy quyết định đến với Tái sinh Nhan sắc để thay đổi chính mình là điều Hiên Công khát khao mong ước. “Đã đến lúc chú lạc đà muốn bước ra khỏi biển cát Sahara và đưa thật nhiều người đến bến bờ của đất đai, miền nước ngọt và những sản vật trù phú rồi!”
Hiên Công được bác sĩ hội chẩn khiếm khuyết lớn nhất là phần lưng gù với cục bướu bẩm sinh, phần bướu này khiến cơ thể em bị lệch vẹo, vai bất cân xứng, làm xương tay của em mãi mãi bị lệch. Ngoài ra gương mặt còn nhiều khuyết điểm như mắt bị lệch, mí không đều, khiến khuôn mặt vô hồn, khó biểu đạt cảm xúc, làn da nhiều mụn và bị thâm sần khá nhiều.
Hy vọng những tháng ngày tới đây sau khi chữa trị được căn bệnh u bướu quái ác, Hiên Công có thể bình tĩnh, lạc quan sống, trở thành trụ cột gia đình và cũng góp phần dựng xây cho bản làng, nơi những người dân tộc Tà Riềng nơi em sống, đặc biệt là các em nhỏ cơ hội được học tập và tiếp thu kiến thức mới.
“Tái sinh nhan sắc” mùa 2 chính thức quay trở lại mang tinh thần nhân văn với thông điệp “Phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí, Thay đổi cuộc sống” với tổng giá trị giải thưởng lên tới 23 tỷ đồng. Chương trình được tài trợ bởi Bệnh viện thẩm mỹ Đông Á phối hợp với Hiệp hội Thẩm mỹ và tái tạo gương mặt Hàn Quốc (KAFPRS), Báo Tiền Phong tổ chức chương trình. Tái sinh nhan sắc 2019 quy tụ các chuyên gia thẩm mỹ Việt Nam – Hàn Quốc – Nhật Bản – Hoa Kỳ mang đến những cơ hội thẩm mỹ miễn phí cho những hoàn cảnh, những điều kiện khó khăn trên toàn các vùng miền, tỉnh thành của Việt Nam.