hồ sơ dự thi

DA17607

LOADING IMAGES
- BÌNH CHỌN và CHIA SẺ để giúp thí sinh giành tấm vé "Tái Sinh" 500 triệu -
44 Bình chọn
NGUYỄN THÙY LINH
15A Vân Đồn, Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Sinh ra làm phận con gái đã khổ, làm phận “gái xấu” còn khổ hơn – càng lớn, càng trưởng thành, tôi càng nhận thấy câu nói đó đúng và chính xác đến tuyệt đối!
Tôi – một cô bé 24 tuổi – mang hình hài của 1 cô bé bị dị tật bẩm sinh (sứt môi hở hàm ếch), với những điều chẳng thể nói, chẳng thể tâm sự cùng ai, và gần như cũng chẳng ai có thể thấu hiểu nổi những cảm xúc của những con người “không được bình thường” như chúng tôi…
Khi còn là học sinh, 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, đó là quãng thời gian mà cho đến bây giờ nhìn lại, tôi thấy bản thân mình thật mạnh mẽ mới có thể vượt qua được. Thầy cô, bạn bè đối xử với tôi chẳng công bằng. Những hoạt động của trường lớp, tập thể chẳng bao giờ xuất hiện tên tôi. Hàng ngày đến lớp, tôi được các bạn “yêu mến” đặt biệt danh cho bằng những mỹ từ “xinh đẹp”: “con sứt môi lồi rốn”, “công chúa mặt lợn”, “Linh sứt”… Ban đầu nghe thấy, tôi thấy tủi thân và buồn đến tột cùng, nghĩ rằng mình cũng bình thường như mọi người thôi mà, có gì đâu sao mọi người lại đối xử với mình như thế. Nhưng rồi dần dần, tôi cũng quen với nó và chẳng còn cảm xúc gì nữa, sang dần các cấp học khác, mặc cho mọi người lấy mình ra làm trò cười cợt, tôi vẫn giữ cho mình tâm trạng bình tĩnh nhất có thế… Những giờ ra chơi ngồi thu lu 1 góc với đống sách vở để ôn bài, tôi cũng chẳng còn thấy buồn hay tủi thân vì các bạn không cho tôi tham gia cùng… Và dĩ nhiên, những món quà 8/3 hay 20/10 chẳng bao giờ dành cho tôi khi ở lớp rồi, nếu là bắt buộc phải tặng tôi theo sự chỉ đạo của cô chủ nhiệm thì các bạn cũng tặng theo kiểu cho có…
12 năm học phổ thông của tôi cũng dần trôi qua như thế… Khi học hết lớp 11 cũng là lúc các bạn cùng lớp với tôi định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình. Tôi thấy các bạn ấy tài lắm, có bạn rất giỏi Tiếng Anh – bạn ấy chọn cho mình ngành về về du lịch, có bạn giỏi Hóa – bạn ấy muốn thi vào ngành Y… Còn tôi, tôi cứ nghĩ mãi mà không biết nên chọn ngành nghề gì vì bản thân tôi cũng đã dần ý thức được rằng ngoại hình của mình như thế này, học ngành nghề gì rồi sau này ra trường cũng khổ. Vậy là quãng thời gian khủng hoảng lại bắt đầu. Mẹ tôi nói: “Học Y đi con ạ! Khi ra trường, vào các bênh viện, con có cái khiếm khuyết đó thì con đeo khẩu trang cả ngày, chẳng ai biết con bị làm sao cả!”… Ôi, quả thực là tôi sợ bệnh viện, rất rất sợ. Có lẽ vì bị ám ảnh bởi những ca tiểu phẫu và đại phẫu trong suốt thời gian tôi được sinh ra cho đến thời điểm đó và đến bây giờ cũng vẫn vậy… Phải mất gần 1 tháng tôi chẳng ăn được ngủ được, người gầy đi trông thấy, tôi đưa ra quyết định của mình – tôi sẽ thi và sẽ học ngành Giáo dục Tiểu học. Tôi yêu trẻ con lắm và tôi thích cái cảm giác được đứng lớp, được truyền đạt lại những hiểu biết của mình cho các bé.
Quyết định rồi, tôi nỗ lực học và thi. Tôi theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là trường Đại học Thủ đô Hà Nội). Thời gian đầu mới vào trường cũng lại là khoảng thời gian tôi stress rất nhiều. Tuy rằng trong lớp của tôi có mọi lứa tuổi, bằng tuổi tôi có, hơn tôi vài tuổi cũng có… Ấy thế mà hình như, càng lớn con người ta lại càng có cách miệt thị người khác rõ ràng hơn…
Những môn học phải làm việc theo nhóm thì hầu như tôi phải làm 1 mình. Những môn bắt buộc phải thuyết trình cá nhân trước tập thể thì cứ khi tôi bắt đầu cất tiếng nói lên là ở dưới họ săm soi, họ dành cho tôi những ánh nhìn chẳng mấy thiện cảm, rồi họ rì rầm bàn tán bên dưới ồn ào để tôi mất tập trung. Mà có phải giọng nói của tôi khó nghe gì cho cam, hay là tôi nói ngọng, nói lắp đã đành. Từ khi tôi còn học cấp Tiểu học, có 1 số cô chủ nhiệm đã từng nhận xét giọng tôi rất hay, đọc diễn cảm rất truyền cảm. Có lẽ đó là điều duy nhất ông trời bù đắp lại cho tôi khi mà ông đã trót lấy đi hình hài lành lặn của tôi… Những môn học chuyên ngành phải soạn giáo án, phải phân công nhau giảng dạy thì hầu như các bạn phân công nhau dạy hết, tôi chẳng có mấy khi được đứng lớp, chẳng có mấy khi được trình bày cách dạy của mình để thầy cô góp ý và rút kinh nghiệm, chỉ có những môn mà thầy cô bộ môn chỉ điểm sinh viên trình bày thì cơ hội của tôi mới đến… Thấm thoát cũng đến thời gian đi thực tập để chuẩn bị ra trường, cũng phải rất vất vả tôi mới xin được đơn vị thực tập. Khi mang giấy giới thiệu đi xuống từng trường, đa số họ từ chối tôi vì lý do đơn giản rằng: “Trường của cô rất bận, các cô ấy còn nhiều công việc khác, không có thời gian để hướng dẫn giáo sinh đâu em, em thông cảm”. Và rồi tôi lại đi tiếp sang trường khác, hiệu trưởng bên đó đồng ý cho tôi vào thực tập, cô ấy thẳng thừng: “Em xin vào trường cô thực tập, ok cô sẽ giúp em có quá trình thực tập và kết quả đúng với năng lực của em, nhưng nếu sau này khi em ra trường, em có ý định xin vào trường cô thì cô nói trước là cô không đồng ý”. Đó, vậy là cuối cùng tôi cũng có nơi để thực tập rồi…

Thời gian đầu khi xuống làm quen với lớp, học trò dù rất nhỏ nhưng có lẽ các em cũng biết sự ‘đặc biệt” của tôi, có em cảm thông thì thân thiện với tôi ngay từ đầu, có những em thì làm ra vẻ tò mò hỏi tôi: “Cô Linh ơi, cô bị làm sao thế?”. Nhìn ánh mắt ngây thơ của tụi nhỏ, tôi cũng chẳng nỡ giận chúng, tôi chỉ bảo: “Cô bị từ nhỏ, chui ra khỏi bụng mẹ cô đã bị vậy rồi”… Rồi dần dần, hình như tình cảm của tôi trao đi cho bọn nhỏ cũng được đáp lại, chúng quý tôi lắm, giờ ra chơi nào cũng quấn quýt lấy tôi, rủ tôi ra sân chơi cùng, có con bé còn thủ thỉ với tôi: “Cô Linh ơi, bao giờ cô lại dạy tiết tiếp theo? Con thích cách cô dạy hơn cô chủ nhiệm, cô chủ nhiệm giảng con không hiểu”, “Cô Linh ơi, bao giờ cô mới ra trường? Cô ra trường xong cô có về dạy tiếp ở trường mình không? Bọn con còn được cô chủ nhiệm không”. Động phải đúng nỗi niềm tủi thân của tôi, tôi đành mỉm cười và nói: “Cô sắp ra trường rồi con ạ, còn có được phân công về giảng dạy ở trường mình hay không thì cô chưa biết nữa”. Thấm thoát cũng hết thời gian thực tập, tôi và chúng chia tay nhau, chúng khóc như những đứa con phải xa mẹ khi mẹ đi công tác vậy. Tôi cũng khóc, khóc vì nhớ chúng, khóc vì phải xa bảng đen phấn trắng, khóc vì lo lắng cho tương lai của mình rồi sẽ ra sao…
Trở về trường Đại học, hoàn thành nốt bảng điểm và các môn học khác, cuối cùng tôi cũng tốt nghiệp và ra trường với tấm bằng loại Giỏi. Cũng kể từ ngày có được tấm bằng đó cho đến nay, tôi vẫn khắc khoải mong mỏi với hoài bão được đứng lớp nhưng không thành. Mang hồ sơ đi xin việc ở các trường, họ đều nói: “Trường cô đủ giáo viên rồi”. Tôi biết họ nói tránh vì thực ra khi tôi bước chân ra khỏi phòng hiệu trưởng, cũng có người vào tiếp sau tôi và họ được nhận. Cay đắng, tủi thân vì cảm thấy những gì mình cố gắng chẳng được ai ghi nhận. Tấm bằng tốt nghiệp đó chắc tôi phải cất đi, nếu sau này may mắn mỉm cười, tôi sẽ lại tiếp tục thắp cháy lên ngọn lửa đam mê trong mình.
Tôi lại tìm kiếm cơ hội khác cho bản thân. Tôi rải hồ sơ và tham gia phỏng vấn ở 1 số nơi với công việc trái ngành trái nghề, họ cũng lại từ chối tôi vì tôi không học ngành họ cần, tôi không có kinh nghiệm và tôi có ngoại hình “không bình thường”, tôi không thể làm việc ở những nơi như thế. Cuối cùng cũng có nơi nói thẳng với tôi như thế để tôi biết được rằng: Cuộc sống của người lớn là những chuỗi ngày đấu đá khốc liệt, họ xinh đẹp thì dù có như thế nào họ cũng được nhận vào làm bất cứ công việc gì, còn những người xấu xí như tôi, chắc chẳng có cơ hội thể hiện mình…
Tôi thử đi gia sư, vì chưa được nhận dạy ở 1 trường chính thức nào nên cũng rất khó để tôi được 1 gia đình nào đó nhờ dạy con cho họ. Khi tìm được rồi, lần đầu tiên đến để trao đổi với bé cùng gia đình, tôi đều nhận được cái nhìn không mấy thiện cảm của họ. Có gia đình từ chối tôi thẳng thừng, có gia đình họ cũng cho tôi cơ hội. Tôi gắn bó với con họ 1 thời gian, khi con họ bắt đầu vững vàng kiến thức hơn lúc tôi chưa dạy thì họ bảo tôi nghỉ vì con họ có thể tự học được rồi… Tôi lại bắt đầu thấy chông chênh, mất phương hướng…
Lần mò, lần mò, cuối cùng tôi cũng kiếm được công việc cho mình, đó là bán hàng online. Hì, 1 công việc mà chẳng ai biết tôi là con bé bị sứt môi. Đồng tiền tôi kiếm được cũng không được là bao nhiêu vì tôi không có vốn để ôm hàng, bán được sản phẩm nào thì tôi được hoa hồng của sản phẩm đó thôi. Nhưng được cái là không bị sự kỳ thị của mọi người làm cho tủi thân.
Công nhận là cái gì cũng có cái giá của nó. Bán hàng online, không được tiếp xúc trực tiếp với nhiều người, mối quan hệ đã không có mấy của tôi lại càng bị bó hẹp hơn, tôi thấy mình trở nên nhút nhát và ngại giao tiếp trực tiếp với mọi người, kể cả người thân của tôi. Tôi chỉ là chính tôi khi ở trên các mạng xã hội, thật vậy rồi. Tôi có thể tám chuyện với tất cả mọi người mà không biết chán…
Nhưng rồi ở cái tuổi này, thấy bạn bè cùng lớp ngày trước nhiều mối quan hệ, dần dần tiến tới hôn nhân, có con cái đuề huề, tôi lại thấy buồn, thấy tủi cho phận mình. Những chàng trai nói chuyện với tôi thân thiết trên mạng là thế, họ luôn có 1 điệp khúc rầng: “Anh không quan trọng em xinh hay xấu, em có như thế nào thì em vẫn là em, không lẫn với người khác được. Em không xinh nhưng em tốt tính, em ngoan ngoãn thì cũng ăn đứt những đứa xinh mà không biết cách sống”. Ấy thế mà khi chúng tôi gặp nhau ngoài đời, họ chỉ cho tôi cơ hội nói chuyện với họ 1 lần duy nhất, không có lần thứ 2. Tất cả các tài khoản chúng tôi đã từng nói chuyện đều được chặn cả. Có người cũng ở bên tôi được 1 2 tháng, sau đó họ bảo tôi; “Mẹ anh hỏi anh về mối quan hệ của 2 đứa mình như thế nào. Mẹ anh nói: Nếu con với con bé đó tiếp tục để đi tới hôn nhân thì liệu rằng con bé đó có sinh cho con được những đứa con bình thường, cho mẹ được những đứa cháu khỏe mạnh không?”. Ô hay nhỉ, theo như tôi tìm hiểu thì chưa 1 bài báo nào hay 1 gia đình nào có bố hoặc mẹ bị dị tật như tôi mà sinh ra con không được bình thường cả, chúng còn bụ bẫm, xinh xắn hơn là đằng khác… Âu, nhưng thôi, nếu đã không trân trọng nhau, không bảo vệ được nhau thì tốt nhất nên chấm dứt, chẳng việc gì phải níu kéo để làm khổ nhau.
Cho đến bây giờ, ở tuổi 24, tôi vẫn luôn khao khát rằng: Có 1 ngày đẹp trời khi mình thức dậy, mình sẽ được là 1 người bình thường, những tháng ngày vừa qua chỉ là 1 con ác mộng mà thôi… Không biết có khi nào khao khát của tôi thành sự thật được không nhỉ, khi mà tôi đăng ký tham gia gần như toàn bộ những chương trình phẫu thuật thẩm mỹ từ thiện tại Việt Nam từ trước đến nay đều không thành công, họ đều lắc đầu ái ngại vì dị tật của tôi thuộc vào loại nặng.
Tháng 9 / 2015, tôi đăng ký tham dự chương trình Change Life – Thay đổi cuộc sống mùa 2. Tôi có được các bác sỹ của bệnh viện ApGuJeong – Seoul chọn lựa tham khám vào ngày cuối cùng của đợt tuyển chọn thí sinh được tham dự chương trình. Nhưng rồi may mắn cũng chẳng ở lại với tôi được bao lâu.
Tháng 5 / 2016, tôi đăng ký tham dự chương trình Hành trình lột xác của bệnh viện Kangnam nhưng cũng không được lựa chọn.
Tháng 8 / 2017, tôi được Operation Smile tài trợ cho 1 ca ghép xương miễn phí ở bệnh viện Việt Nam – Cuba Hà Nội. Nhưng 6 tháng sau, phần xương ghép lên đó của tôi bị hoại tử nên các bác sỹ lại phải tiến hành phẫu thuật tháo phần xương đó ra.
Tháng 11 / 2017, lại 1 lần nữa tôi đăng ký tham dự chương trình Change Life – Thay đổi cuộc sống mùa 3, nhưng cũng như mùa 2, may mắn không gọi tên tôi.
Từ đó cho đến nay, tôi cũng không đăng ký chương trình nào nữa vì cứ mỗi lần đăng ký tôi lại gieo niềm tin, gieo hy vọng vào đó, nhưng rồi điều tôi nhận lại được chỉ là thất vọng mà thôi. Gia đình tôi thì cũng không khá giả được như những gia đình nhà khác, nếu như được sinh ra trong 1 gia đình khá giả thì có lẽ bố mẹ tôi cũng không để tôi mang hình hài như thế này cho đến ngày hôm nay. Bố mẹ tôi cũng chỉ là người lao động tự do bình thường, không phải công chức nhà nước, đồng lương chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Để có được tiền cho tôi điều trị thì chắc chẳng bao giờ có. Mang tiếng là được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hộ khẩu của tôi được để nhờ trên nhà bà ngoại để tiện việc học hành, còn thực chất, cả gia đình tôi đang ở nhờ nhà của phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điều kiện chẳng cho phép nên đôi khi tôi tự an bài, thôi thì cứ đành để vậy đi, ai hiểu mình rồi sẽ cảm thông cho mình, ai không hiểu mình thì kệ họ đi. Nếu thực sự hiểu và cần nhau thì vẻ bề ngoài chẳng quan trọng gì hết…
Lần này, tôi được biết thông tin về chương trình Tái sinh nhan sắc của bệnh viện thẩm mỹ Đông Á mình, tôi lại tiếp tục thử gieo hy vọng 1 lần nữa, lại tiếp tục thử xem may mắn liệu có còn gạch tên ra khỏi danh sách hay không?! Hơn hết, niềm đam mê của tôi với nghề giáo vẫn hừng hực cháy. Năm nay, sở Nội vụ Hà Nội tổ chức thi viên chức chuyên ngành tôi theo học, ấy vậy mà tôi lại chẳng có cơ hội tham gia nữa rồi. Vì tôi biết, ngoại hình của mình như thế này, nếu thi mà có may mắn đỗ được thì khi về trường tiểu học cũng chưa chắc hiệu trưởng đã phân công cho tôi được đứng lớp. Tôi mong muốn được là 1 trong số những người may mắn được bệnh viện chọn lựa để có thêm được 1 số cơ hội trong cuộc sống, để cuộc sống của tôi có thêm được 1 chút ánh sáng mới cho tương lai phía trước. Và tôi cũng chỉ là 1 người con gái bình thường, tôi cũng mong muốn và khao khát được yêu thương, chẳng có ai có thể sống mãi 1 mình mà không có nơi nương tựa cả. Nếu vẻ bề ngoài cứ mãi như thế này, chắc có lẽ, cả cuộc đời tôi sau này cũng chẳng có thể thay đổi được điều gì khác…
Tôi xin chân thành cảm ơn quý bệnh viện đã dành chút thời gian quý báu đọc những dòng tâm sự của tôi. Rất mong được sự hồi đáp của quý bệnh viện bằng một tấm vé để tôi có cơ hội bước chân vào cuộc hành trình mới!!

- BÌNH CHỌN và CHIA SẺ để giúp thí sinh giành tấm vé "Tái Sinh" 500 triệu -
44 Bình chọn
BÀI DỰ THI KHÁC